Do Thái giáo Cây sự sống

Mô típ cây nhiều màu trong Nhà hội Do Thái ở Dura Europos (thế kỷ 3)

Cây sự sống mọc giữa vườn địa đàng xuất hiện ba lần trong sách Sáng Thế Ký. Sau khi ăn trái Cây biết điều thiện và điều ác, Adam và Eva bị trục xuất khỏi vườn để không chạm được vào trái Cây sự sống là thứ sẽ cho phép bất tử. Trong Sách Châm Ngôn, Cây sự sống là một ẩn dụ cho khôn ngoan và công chính, còn trong sách Midrash, ngụy kinhgiả kinh, cây này có liên quan đến nhân vật thực sự. Mỗi tác giả đưa ra một chi tiết riêng nhưng đều có điểm chung là mô tả mang tính ngụ ngôn. Kinh Torah được tượng trưng như Cây sự sống là "sự sống vĩnh cửu gieo vào tâm trí chúng ta". Do đó các thanh cuộn kinh Torah được gọi là acej chajim[2][10] (số nhiều của ec chajim[11]), trên đó trang trí hình trái lựu gọi là rimmonim.[2] Trong số các đồ tạo tác bằng đất nung thuộc về di vật bàn thờ dâng hương ở Taanak gần Megiddo, một bức phù điêu có niên đại từ thế kỷ 8 TCN mô tả Cây sự sống cùng hai con sơn dương.[9] Mô típ Cây sự sống cũng được nhận diện trên các trang trí nhiều màu còn lại trong phòng pháp điển của nhà hội Do Thái xây dựng khoảng năm 244–245 ở Dura Europos, nay là miền tây Syria.[12][13]

Đèn Menora có hình Cây sự sống

Thuyết mạt thế đặt Cây sự sống làm một thành tố thiết yếu trong Cõi Lai thế (Olam ha-Ba), trong đó người công chính có thể ăn trái cây sự sống.[2] Thi Thiên 1 (1:3) đề cập đến Cây sự sống trồng gần dòng nước, lá chẳng tàn héo bao giờ, còn Sách Ê-xê-chi-ên (47:12) nói về "cây có trái ăn được, lá nó không hề héo rụng, và trái nó không hề dứt" và "Trái nó dùng để ăn, lá nó dùng để làm thuốc."[9] Cây sự sống còn là tiêu đề một số trước tác tôn giáo ("Ec Chajim", "Ec ha-Chajim"). Trong Kabbalah, nó được xếp vào danh sách thần bí và phúng dụ.[2] Khoảng thế kỷ 16-17 có tác phẩm thuộc dòng này là "Ec Chajim" (Cây sự sống) do rabbi và nhà thần bí Hayyim ben Joseph Vital viết ra.[14][15] Nhà thần bí Kabbalah thế kỷ 16 Moses ben Jacob Cordovero tuyên bố Cây sự sống tăng cường nhân đôi ánh sáng, mô tả bằng ánh sáng thường (jashar) đồng thời kết hợp với ánh sáng phản xạ (chozer) tạo ra bản chất sự hiện diện của Thượng Đế. Luồng sáng này cũng ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của mỗi Sephirah.[16]

Cây sự sống cũng được hình tượng hóa cách điệu trên đèn menora (מְנוֹרָה),[2][9] một mô típ đôi khi bắt gặp trong nhà hội Do Thái trang trí trên bema và phòng pháp điển.[17] Còn trong nghệ thuật Do Thái khi được bố trí cùng với sư tử và kỳ lân, đây là biểu tượng sức mạnh Vương quốc Israel thống nhất được khôi phục.[18]